Hiểu đúng về thông tin lưu lượng đỉnh lũ tần suất 5.000 năm mới có một lần
Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, con số 5.000 năm mới có một lần được đề cập trong thông báo khẩn cảnh báo lũ của UBND tỉnh không được hiểu là năm lịch sử hay năm thực tế mà là thuật ngữ kỹ thuật.
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành thông báo khẩn liên quan đến hồ thủy điện Bản Vẽ, trên địa bàn xã Yên Na xả lũ.
Theo thông báo này, lúc 21h ngày 22/7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần).
Trước thông tin về con số 5.000 năm mới xảy ra một lần lập đỉnh lũ đã khiến dư luận xôn xao.
Nước lũ nhấn chìm nhà dân ở xã Tương Dương
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nghệ An, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết: Con số 5.000 năm được đề cập trong thông báo không được hiểu là năm lịch sử hay năm thực tế mà là thuật ngữ kỹ thuật.
Trong kỹ thuật, tần suất xuất hiện để chỉ khả năng xuất hiện của một sự kiện theo một chuỗi thời gian. Từ một số liệu, sẽ tính ra được những sự kiện xảy ra mức độ hiếm; tần suất con số càng nhỏ thì chu kỳ năm càng lớn, khả năng xuất hiện càng ít, cực hiếm.
“Tần suất được tính theo phần trăm. Nếu tần suất 1%, bằng phương pháp tính ngoại suy và các phương pháp khác thì 100 năm xuất hiện 1 lần. Tần suất 0,1% thì 1.000 năm xảy ra 1 lần. Với hồ Bản Vẽ, tần suất tối đa của hồ theo thiết kế là 0,02%, tương đương 5.000 năm xuất hiện 1 lần, đây là mức độ xuất hiện cực hiếm”, ông Toản lý giải.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ
Thời điểm ban hành văn bản (21h ngày 22/7), công suất thiết kế của hồ thủy điện Bản Vẽ là 10.500m3/s, lưu lượng đỉnh lũ tại hồ xấp xỉ mức thiết kế, tuy nhiên, sau đó, đỉnh lũ đã lên đến gần 13.000m3/s, cao nhất trong lịch sử.
Theo ông Toản, trong lúc ban hành thông báo, cơ quan chức năng muốn diễn giải như thế để thấy được mức độ nghiêm trọng, vượt quá quy mô thiết kế của công trình, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác và chuẩn bị ứng phó của các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân.
“Thời điểm ban hành văn bản, tình huống cực kỳ căng thẳng, lũ về nhanh, cứ 1 phút, nước dâng cao 1cm. UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp, dự kiến sáng nay (23/7) sẽ ban bố tình huống khẩn cấp nhưng đến 3h ngày 23/7, lưu lượng đạt đỉnh và xuống dần. Đến thời điểm 10h ngày 23/7 tương đối yên tâm về công trình”, ông Toản thông tin.
Theo ông Toản, vấn đề đặt ra hiện nay tình trạng ngập lụt ở hạ du của thủy điện Bản Vẽ. Dưới bậc thang của thủy điện Bản Vẽ có công trình thủy điện Khe Bố. Hồ chứa của thủy điện Khe Bố chịu ảnh hưởng của 2 dòng, từ bản vẽ và từ Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ) đổ về.
Nước lũ cuốn trôi cầu treo ở Nghệ An.
Từ đêm 22/7, khu vực xã Mường Xén xảy ra lụt lớn. Việc hai dòng hợp lũ hợp lại đã khiến một khu vực rộng lớn bị ảnh hưởng. Sáng 23/7, thủy điện Bản Vẽ đang giảm cửa xả để cắt lũ một phần cho hạ du. Việc vận hành xả lũ thủy điện Bản Vẽ đã được thực hiện theo đúng quy trình.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đến 6 giờ sáng 23/7, ảnh hưởng của mưa lũ từ bão số 3, trên địa bàn đã có 2 người tử vong và 4 người bị thương. Hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tài sản bị cuốn trôi. Hơn 1.342 ha diện tích lúa; 748,68 ha rau màu; 523,8 ha diện tích cây trồng lâu năm bị thiệt hại. 58 con gia súc bị chết, 825 con bị gia cầm bị chết, cuốn trôi. Toàn tỉnh có 45 điểm sạt lở taluy, 49 điểm sạt lở, ách tắc, 3 cầu bị cuốn trôi hoàn toàn,...
'Tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần' là con số được đưa ra dựa trên tính toán, kiểm tra độ an toàn hồ...