Chia sẻ

Những cái nhất của Bí thư 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh trước khi sáp nhập

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nếu như Bí thư Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến là nữ bí thư duy nhất ở miền Tây thì Bí thư Vĩnh Long Trần Tiến Dũng là người trẻ nhất, còn Bí thư Trà Vinh Ngô Chí Cường là ủy viên Trung ương Đảng duy nhất trong 3 bí thư của 3 tỉnh sáp nhập.

Theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh được hợp nhất, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Trong 3 bí thư của 3 tỉnh này, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến là nữ bí thư duy nhất của miền Tây hiện nay.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bến Tre 

Bà Hồ Thị Hoàng Yến. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bến Tre 

Bà Hồ Thị Hoàng Yến sinh năm 1971, quê quán xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre; trình độ cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị. Bà được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 vào tháng 3 vừa qua. 

"Thời gian tới, thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện, tên gọi tỉnh có thể khác đi nhưng "tinh thần Đồng khởi", truyền thống anh hùng, nghĩa tình, kiên trung của nhân dân xứ Dừa tiếp tục được gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa. Quê hương Đồng khởi không chỉ là lịch sử mà là hồn cốt, là sức mạnh tinh thần của lớp lớp thế hệ người dân Bến Tre".

Bà Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bến Tre

Một điểm đặc biệt nữa trong sự nghiệp chính trị của bà Yến là việc bà trở thành nữ Chủ tịch HĐND tỉnh đầu tiên của Bến Tre.

Bà Yến trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác ở tỉnh Bến Tre. Bà từng là nhân viên Văn phòng UBND xã Sơn Đông, TP Bến Tre, rồi lần lượt công tác tại Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Bà từng giữ các chức vụ quan trọng tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong đó có chức Trưởng Ban. 

Sau đó, bà Yến làm Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh. Từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2025, bà giữ vị trí quyền Bí thư Tỉnh ủy. 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng là người trẻ nhất trong 3 bí thư.

Ông Trần Tiến Dũng sinh năm 1975, quê tỉnh Nam Định. Ông có bằng thạc sỹ Luật của Trường Kyushu, Nhật Bản. 

Ông Dũng là người có bề dày về ngành tư pháp, trưởng thành qua nhiều vị trí công tác tại Bộ Tư pháp như: chuyên viên, thư ký giúp việc lãnh đạo Bộ, thư ký Bộ trưởng, Phó ban Thư ký giúp việc lãnh đạo Bộ, Phó chánh văn phòng, Chánh văn phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn Bộ.

Năm 2016, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Tư pháp. Ông trở thành Thứ trưởng trẻ nhất của bộ này và là một trong số ít Thứ trưởng thế hệ 7X của các bộ, ngành lúc bấy giờ.

Đầu năm 2019, ông Dũng được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Lai Châu nhiệm kỳ 2015-2020. 

Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và tái cử chức vụ này nhiệm kỳ 2021-2026. Tháng 5/2023, ông được điều động trở lại giữ chức Thứ trưởng Tư pháp.

Tháng 1/2025, ông Dũng được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long Trần Tiến Dũng. Ảnh: E.X

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long Trần Tiến Dũng. Ảnh: E.X

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông Trần Tiến Dũng đi thực tế nhiều ở địa phương và có chỉ đạo hợp lòng dân. 

Trong các cuộc tiếp xúc với công dân, ông Dũng lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai. Ông chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của công dân.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, trao đổi các thông tin, quy định pháp luật, ông Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc giải quyết. Ông cũng đặc biệt lưu ý tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường là ủy viên Trung ương Đảng duy nhất trong 3 bí thư.

Ông Ngô Chí Cường sinh năm 1967, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, trình độ cử nhân Kinh tế chính trị, cử nhân Hành chính. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh khóa 14, 15.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường. Ảnh: Cổng TTĐT Trà Vinh

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường. Ảnh: Cổng TTĐT Trà Vinh

Ông Cường trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác ở tỉnh Trà Vinh. Năm 1985, ông là cán bộ Văn phòng UBND thị xã Trà Vinh. Sau đó, ông học cử nhân Kinh tế chính trị tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. 

Từ tháng 12/1989-2005, ông làm việc tại UBND thị xã Trà Vinh, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Trà Vinh. Tháng 10/2005-4/2012, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó trưởng Ban, Phó trưởng Ban thường trực và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh.

"Chúng ta không thể chấp nhận với quan điểm được đến đâu hay đến đó, mà phải đặt ra mục tiêu là thực hiện đạt vượt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra"

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường

Ông Cường có gần 2 năm làm Bí thư Thành ủy Trà Vinh (tháng 5/2012-4/2014). Sau đó, ông làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh từ tháng 10/2020 cho đến nay.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Cường có nhiều chỉ đạo ấn tượng. Ông từng chỉ đạo các lãnh đạo đầu ngành khắc phục triệt để tình trạng “4 không": không nghĩ ra để làm, cấp trên đã chỉ ra nhưng không làm hoặc làm chậm, không hoặc chậm phối hợp để làm, có triển khai mà không kiểm tra giám sát.

Với nhân sự chủ tịch của 3 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời là người trẻ nhất. Ông sinh năm 1972, quê huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trình độ cử nhân Luật kinh tế, thạc sĩ ngành Xây dựng Đảng - chính quyền nhà nước và tiến sĩ ngành Chính trị học.

Ông Ngời từng kinh qua các vị trí công tác: Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh. Tháng 1/2020, ông làm Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho đến nay. 

Cũng giống như Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, ông Ngời giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng nền kinh tế của Vĩnh Long vẫn tăng trưởng khá ấn tượng. Trong đó, GRDP năm 2024 ước đạt 43.942 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 85,2 triệu.

Lãnh đạo chủ chốt 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Ảnh: VietNamNet

Lãnh đạo chủ chốt 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Ảnh: VietNamNet

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh là ông Lê Văn Hẳn, sinh năm 1970, quê huyện Trà Cú, trình độ thạc sĩ Quản lý giáo dục, cử nhân Hành chính, cử nhân Sư phạm Văn học. 

Ông Hẳn từng kinh qua các chức vụ Phó chánh văn phòng rồi Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Càng Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Bí thư Thành ủy Trà Vinh.

Sau đó, ông làm Phó chủ tịch tỉnh, rồi Phó bí thư Tỉnh ủy và giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh từ tháng 11/2020 đến nay.

Ông Hẳn được đánh giá là vị Chủ tịch tỉnh trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. 

Trong những năm qua, nền kinh tế của Trà Vinh tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh hàng năm khá cao, năm 2024 đạt 10,04%, đứng đầu khu vực ĐBSCL và thứ 8 cả nước. 

Trà Vinh là tỉnh thứ 6 trong cả nước và tỉnh đầu tiên của Tây Nam bộ được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre hiện nay là ông Trần Ngọc Tam sinh năm 1965, quê huyện Ba Tri, trình độ cử nhân Triết học, cử nhân Luật.

Ông Tam từng giữ nhiều trọng trách tại tỉnh Bến Tre như: Bí thư Tỉnh Đoàn, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Từ tháng 10/2020 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. 

Trong thời gian ông Tam làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đại dịch Covid-19 bùng phát, triều cường, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, lốc xoáy… nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng ấn tượng. 

Về việc bố trí nhân sự chủ chốt khi sáp nhập tỉnh/thành, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thẩm định và tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ nhân sự bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Thủ tướng sẽ chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau sáp nhập, 4 tỉnh: Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình nằm trong danh sách định hướng trở thành thành phố trực...

Theo Hoài Thanh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sáp nhập tỉnh thành, bộ máy

Xem Thêm