"Lộc rừng thức giấc" sau cơn mưa, dân đua nhau đi nhặt về bán
Sau mỗi trận mưa rào, người dân ở đây lại đeo gùi, cầm đèn pin, rủ nhau đi nhặt "lộc rừng".
Ốc đá – hay còn gọi là ốc núi, ốc thuốc – chỉ sinh sống ở các khu rừng đá vôi, nơi có độ cao vừa phải, nhiều khe suối nhỏ và hệ thực vật còn nguyên sơ. Khi mùa khô đến, chúng rút sâu vào lòng đất và gần như biến mất hoàn toàn.
Đến khoảng tháng 7 hằng năm, khi những cơn mưa rào đầu mùa bắt đầu trút xuống làm độ ẩm trong rừng tăng, loài ốc này bắt đầu thức dậy sau thời gian dài ngủ đông. Ban đêm, chúng bò ra khỏi các khe đá, len lỏi dưới lớp lá mục ẩm ướt một cách chậm rãi và lặng lẽ.
Điều thú vị là ốc đá ăn lá cây rừng, trong đó có nhiều loài thảo dược như sâm đất, ngải cứu hay lá lốt. Nhờ hấp thụ tinh chất từ cây thuốc, chúng được ví như "bài thuốc sống" của núi rừng.
Với người Thái, người Mường, ốc đá vừa là món ăn thân thuộc khi trời mưa, vừa là vị thuốc dân gian quý giá. Phần ruột ốc – nơi tích trữ dưỡng chất suốt thời gian dài ẩn mình – được gọi là “túi thuốc”.
Ốc đá thường xuất hiện ở những vùng rừng rậm còn nguyên vẹn như Tân Lạc, Mai Châu, Kim Bôi hay Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình cũ, nay thuộc Phú Thọ). Những nơi có rừng sâu, suối mát và lớp lá rừng dày chính là môi trường sống lý tưởng của chúng.
Người bản địa quan niệm: ăn ốc thì nhất định phải ăn cả ruột, nếu bỏ đi tức là phung phí lộc rừng.
Hiện nay, ốc đá không chỉ là món ăn trong mâm cơm người bản địa mà còn có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, homestay ở Hòa Bình và các điểm du lịch.
Mùa ốc đá thường bắt đầu từ cuối tháng 3, kéo dài đến tháng 9 âm lịch, rộ nhất vào dịp giữa hè khoảng tháng 7. Ốc không tập trung một chỗ mà sống rải rác khắp nơi.
Mùa mưa về, người dân lại đeo đèn pin, gùi tre vào rừng bắt ốc đá, nếu chịu khó có thể kiếm vài triệu đồng mỗi tháng. Có người bắt được tới 7kg mỗi đêm, với giá bán đầu mùa lên tới 90.000 đồng/kg.
Bây giờ muốn tìm được nhiều ốc, người ta phải lặn lội vào tận những khu rừng sâu, nơi hiếm người qua lại. Có người quen địa hình, thạo đường rừng, có thể đi xa tới gần chục cây số. Rừng rậm không lối mòn, nên từng có người bị lạc đường, phải qua đêm giữa rừng rồi hôm sau mới tìm được đường trở về bản.
Ốc đá chủ yếu ăn lá cây rừng, thảo dược nên khá sạch. Ốc bắt về rửa sạch, ngâm nước chừng nửa giờ là có thể nướng, xào me, hấp gừng xả, trộn gỏi hành tây... Ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc.