Có những triệu chứng này cần nghĩ ngay đến bệnh dại
Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu, chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm nay ở hầu hết các tỉnh, thành. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ tử vong gần 100% khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng.
Bệnh dại là bệnh do virus dại lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh Trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân lây truyền virus dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này.
(Ảnh minh hoạ).
Theo TS.BS Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm, khoa tiếp nhận cho một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình,…
Thời gian ủ bệnh
- Thông thường, thời gian ủ bệnh dại ở người từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
- Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ và vị trí của vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Triệu chứng của bệnh dại
Triệu chứng bệnh dại thể cuồng
Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu, chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió.
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bị giãn, co thắt hầu họng… và sẽ tử vong nhanh chóng.
Triệu chứng bệnh dại thể liệt
Hay gặp ở bệnh nhân bị chó dại cắn đã tiêm vắc xin nhưng tiêm phòng muộn. Người bệnh có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu ở vị trí vết thương, dần đến hôn mê và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và thuyết thanh kháng dại kịp thời.
Các bước xử lý khi bị động vật cắn, cào, liếm vết xước:
Bước 1: Rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút.
Bước 2: Sát khuẩn bằng cồn iod hoặc cồn 70 độ để giảm thiểu virus tại nơi xâm nhập.
Bước 3: Sau khi xử lý vết thương cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xử trí vết thương và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời.
Một số nguyên nhân thất bại trong điều trị dự phòng bệnh dại - Tiêm vắc xin không đúng vị trí (tiêm mông). - Tiêm huyết thanh kháng dại cùng vị trí với vắc xin dại. - Không sử dụng huyết thanh kháng dại khi có chỉ định. - Không làm sạch ngay vết thương. Không thấm đẫm/không phong bế huyết thanh kháng Dại vào quanh các vết thương. - Điều trị muộn. - Trên cơ địa người suy giảm miễn dịch. |
Khi lên rẫy cùng bố mẹ, cháu R.K bị chó hoang cắn vào tay nhưng gia đình không đưa đi khám, hơn một tháng sau cháu bị...