Đề xuất ưu đãi tài chính cho gia đình sinh con một bề hai gái
Bộ Y tế đề xuất ưu đãi tài chính, hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho gia đình sinh con một bề hai con gái nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đề xuất được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu hôm 11/7, trong bối cảnh tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.
Bộ trưởng Lan, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, nhắc lại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Vì vậy, để xử lý căn cơ các vấn đề hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con, nhất là sinh bé gái để cân bằng giới tính, Bộ Y tế đang hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ tháng 12 tới, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.
Cụ thể, kết quả điều tra biến động dân số cho thấy tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái và năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này vượt xa ngưỡng tự nhiên là khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái.
Sự mất cân bằng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. 10 trong 11 tỉnh thuộc khu vực này có tỷ lệ trên 110, nổi bật là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1) và Hưng Yên (116,7). Một số tỉnh miền Trung du và miền núi phía Bắc cũng ghi nhận tỷ lệ cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5) và Phú Thọ (113,6). Ngược lại, các tỉnh phía Nam giữ mức gần cân bằng tự nhiên, dao động từ 105 đến 108.
Sự mất cân bằng này tác động tiêu cực đến cấu trúc dân số tương lai, dẫn đến dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, và con số này có thể lên tới 1,8 triệu vào năm 2059.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế), cho rằng nhiều người Việt vẫn mang tâm lý chuộng con trai trong bối cảnh mức sinh giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ trong khi con số lý tưởng là 2,1. Nhiều gia đình, khi chỉ sinh một con, đã tìm mọi cách để lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngoài ra, quan niệm truyền thống cần con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cùng sự đánh giá thấp vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội, càng làm gia tăng chênh lệch giới tính. Việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế để chẩn đoán hoặc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tình trạng nạo phá thai.
Một bé gái chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thư Anh
Giới chức đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, đến năm 2030 là dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra. Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, đề xuất nhiều ưu tiên trọng tâm để khuyến sinh, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với dân số đang già đi.
Trong đó, một điểm nhấn đặc biệt là đề xuất ưu đãi tài chính, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho các gia đình sinh con một bề, hai con gái. Đồng thời, sẽ có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, áp dụng linh hoạt cho từng địa phương và trên cả nước. Thực tế, trước sáp nhập, một số địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ này như Hải Phòng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre...
Hồi đầu tháng 6, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng mức phạt hành chính với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi từ 30 triệu lên tối đa 100 triệu đồng, nhằm ngăn tình trạng sinh trai nhiều hơn gái. Hiện, mức phạt tối đa là 30 triệu đồng với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực dân số. Bộ Y tế cho rằng mức này chưa đủ sức răn đe, vì thế đề xuất tăng lên 100 triệu đồng.
Bộ cũng đề xuất định kỳ công khai các địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới và phân biệt đối xử với trẻ em gái. Cần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên.
Lê Nga
Bộ Y tế đề xuất phạt đến 100 triệu đồng với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, gấp ba lần mức hiện hành để giảm tình...