Chiếc bánh màu xanh khiến thế giới mê mẩn, mỗi tháng bán ra 85.000 chiếc
Từ một món bánh dân dã gắn liền với bữa ăn thường ngày của người Singapore, bánh chiffon lá dứa (pandan chiffon cake) đang trở thành hiện tượng toàn cầu. Và đằng sau cơn sốt này là một tiệm bánh gia đình nhỏ – Bengawan Solo – đã góp phần đưa hương vị phương Đông bay xa.
Bánh pandan trở thành biểu tượng ẩm thực Singapore
Chiếc bánh chiffon màu xanh lá nổi bật này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Singapore. Nhẹ, mềm, thoang thoảng hương lá dứa và vani, loại bánh này thường được mua để ăn sáng, làm quà sinh nhật hay tặng người thân.
Hương vị đặc trưng của bánh đến từ lá dứa – một loại cây nhiệt đới có nguồn gốc từ quần đảo Moluccas của Indonesia, đã được sử dụng trong nấu ăn hàng trăm năm. Bánh pandan chiffon lần đầu xuất hiện tại Singapore vào những năm 1970 và dần trở nên phổ biến khắp các ngóc ngách từ tiệm bánh nhỏ đến nhà hàng cao cấp.
Theo nhà sử học ẩm thực Khir Johari, có một tiệm bánh gia đình đóng vai trò lớn trong việc phổ biến món bánh này trên khắp đảo quốc – đó chính là Bengawan Solo.
Năm 1979, bà Anastasia Liew mở cửa hàng Bengawan Solo đầu tiên tại một khu phố nhỏ ở Singapore. Bắt đầu từ những chiếc bánh tự làm tại nhà, bà đã chuyển sang mở tiệm để có thể phân phối bánh cho các trung tâm thương mại. Cửa hàng nhanh chóng được yêu thích nhờ chất lượng ổn định và truyền miệng từ khách hàng.
Con trai bà, ông Henry – hiện là giám đốc công ty – chia sẻ danh tiếng của thương hiệu còn được “nâng tầm” nhờ người nổi tiếng. Từ ca sĩ JJ Lin tặng bánh cho đồng nghiệp ở một show truyền hình Trung Quốc, đến Jay Chou đăng ảnh được tặng bánh khi biểu diễn ở Singapore, mọi thứ đều góp phần thổi bùng sức hút của chiếc bánh pandan chiffon.
Ngoài bánh lá dứa, Bengawan Solo còn bán nhiều đặc sản khác như kueh lapis, ondeh ondeh và bánh tart dứa, nhưng bánh chiffon vẫn là “ngôi sao” của tiệm.
Anastasia Liew tại một trong những cửa hàng Bengawan Solo ở Sân bay Changi Singapore.
Bánh pandan đang chinh phục thế giới như thế nào?
Chỉ riêng năm ngoái, Bengawan Solo đã bán khoảng 85.000 chiếc bánh pandan mỗi tháng, với giá 22 đôla Singapore (khoảng 17 USD) một chiếc. Doanh thu cả năm đạt 76 triệu đôla Singapore, tăng 11% so với năm trước.
Hiện tại, Bengawan Solo có hơn 40 cửa hàng tại Singapore, trong đó có đến 5 cửa hàng nằm ngay tại sân bay Changi – một trong những sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới. Theo ông Henry, các cửa hàng ở sân bay chiếm hơn một nửa doanh thu của toàn hệ thống.
Khách hàng chính là những du khách từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản – những người thường mua bánh về làm quà. Thậm chí, cơn sốt bánh lá dứa còn khiến nhiều người rao bán lại trên các nền tảng như Facebook Marketplace hay Carousell.
Mặc dù gia đình ông Henry từng cân nhắc mở rộng ra nước ngoài, nhưng gặp khó khăn về chi phí mặt bằng, đặc biệt tại Hong Kong (Trung Quốc). Họ cũng lo ngại chất lượng sẽ bị ảnh hưởng nếu sản xuất ở nơi khác. Hiện tại, nguyên liệu chủ yếu vẫn đến từ các nguồn trong nước và lá dứa được nhập từ Malaysia.
Tuy vậy, làn sóng bánh pandan đang lan rộng ngoài Singapore. Ở Hong Kong (Trung Quốc), một thương hiệu tên Pandan Man đang bán loại bánh này trong các trung tâm mua sắm sang trọng. Tại Mỹ, các món ăn kết hợp hương pandan – từ bánh mochi trứng tart đến cronuts – đang xuất hiện ở các thành phố như New York, San Francisco và Los Angeles.
Chuyên gia ẩm thực Keri Matwick (Đại học Công nghệ Nanyang) nhận định sau sự trỗi dậy của các nguyên liệu như matcha, dừa hay khoai môn tím (ube), nay đến lượt lá dứa có cơ hội bước lên sân khấu toàn cầu. “Matcha đã mở đường cho màu xanh được chấp nhận trong các món tráng miệng và giờ là lúc pandan tỏa sáng.”
Bánh trứng kiến bắt đầu vào mùa nên theo các tiểu thương, thời điểm này, các đơn hàng bánh trứng kiến về Thủ đô đều cháy...