Chia sẻ

Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan: Những ngày đầu đẫm máu giành giật Kashmir

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chỉ vài tuần sau ngày độc lập năm 1947, hai quốc gia non trẻ Ấn Độ - Pakistan đã lao vào cuộc xung đột đẫm máu tại "thiên đường trên mặt đất", để lại hệ lụy kéo dài đến tận ngày nay.

Khung cảnh tuyệt đẹp ở vùng Kashmir. Ảnh: Travel Triangle

Khung cảnh tuyệt đẹp ở vùng Kashmir. Ảnh: Travel Triangle

Tháng 5/2025, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan lại dâng cao khi xung đột biên giới và tấn công chết chóc bùng phát tại khu vực tranh chấp Kashmir, khơi dậy nỗi lo về một cuộc xung đột mới giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trước đây, Ấn Độ và Pakistan từng 3 lần trượt dài vào chiến tranh toàn diện, 2 trong số đó liên quan đến vùng Kashmir. Loạt bài này sẽ lần lượt nhìn lại 3 cuộc chiến năm 1947-1948, 1965 và 1971 – những thời khắc định hình bản đồ, chiến lược và ám ảnh dai dẳng trong quan hệ hai nước suốt gần 80 năm qua.

Tháng 10/1947, Kashmir - vùng đất được ví như "thiên đường trên mặt đất" vì thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu dễ chịu và văn hóa đa dạng - bỗng chốc trở thành tâm bão của cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Ấn Độ và Pakistan.

Quyết định "định mệnh" của một vị vua

Ông Hari Singh, cai trị tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, là người theo đạo Hindu. Ảnh: Political Pulse

Ông Hari Singh, cai trị tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, là người theo đạo Hindu. Ảnh: Political Pulse

Khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh vào tháng 8/1947, tiểu vương quốc Jammu và Kashmir - nằm giữa biên giới Ấn Độ và Pakistan - trở thành tâm điểm tranh chấp. Theo Luật Độc lập Ấn Độ 1947, tiểu vương quốc có quyền tự quyết: Gia nhập Ấn Độ, Pakistan, hoặc độc lập.

Hari Singh - tiểu vương theo đạo Hindu của tiểu vương quốc Jammu và Kashmir - đứng trước lựa chọn khó khăn. Dù 75% dân số theo đạo Hồi, ông không muốn gia nhập Pakistan vì lo ngại mất quyền tự trị vào tay một quốc gia Hồi giáo mới thành lập. Ông cũng không vội gia nhập Ấn Độ, do e ngại phản ứng từ đa số dân Hồi giáo và mong muốn giữ vương quốc độc lập càng lâu càng tốt. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (gốc Kashmir) ra sức thuyết phục Hari Singh hợp nhất với Ấn Độ.

Theo bộ phim tài liệu của Anh "Mountbatten: Last Viceroy of India" (tạm dịch: Mountbatten: Phó vương cuối cùng của Ấn Độ), Hari Singh ban đầu muốn độc lập, nhưng tháng 10/1947, hàng nghìn chiến binh bộ tộc Pashtun từ Pakistan – được quân đội Pakistan hậu thuẫn – đột kích Kashmir. 

Theo trang Kiddle, ngoài các tay súng của bộ tộc Pashtun, nhiều binh sĩ quân đội Pakistan đã cải trang thành thành viên bộ tộc để tham chiến.

Họ cướp phá làng mạc, tàn sát người theo đạo Hindu và đạo Sikh. "Những kẻ tấn công đi đến đâu, máu chảy đến đó", cựu Thống đốc Kashmir Karan Singh viết trong một cuốn tự truyện.

Các chiến binh tộc Pashtun. Ảnh: LIFE Picture Collection

Các chiến binh tộc Pashtun. Ảnh: LIFE Picture Collection

"Họ cướp phá kho vũ khí của chính quyền Kashmir, đốt cháy toàn bộ khu chợ và cướp sạch hàng hóa", ông Gohar Rahman, một nhân chứng sống, nói với BBC News năm 2017.

"Họ bắn bất kỳ ai không thể đọc được kalima - lời tuyên bố đức tin bằng tiếng Ả Rập của người Hồi giáo. Nhiều phụ nữ không theo đạo Hồi đã bị bắt làm nô lệ, trong khi nhiều người khác nhảy xuống sông để bỏ trốn", ông Rahman nói thêm.

Đường phố ngổn ngang và hỗn loạn - những tòa nhà đổ nát, đồ đạc trong cửa hàng bị vỡ, tro tàn của hàng hóa bị cháy và xác chết, bao gồm cả các thành viên bộ lạc Pashtun, binh lính của tiểu vương quốc và người dân địa phương. Trên sông, có nhiều thi thể trôi nổi.

Trong tình cảnh đó, ngày 26/10/1947, Hari Singh ký hiệp ước sáp nhập vào Ấn Độ, đổi lấy việc New Delhi triển khai quân đội tới hỗ trợ đối phó với các chiến binh tộc Pashtun. Quyết định này châm ngòi cho cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Ấn Độ và Pakistan.

Loạt trận đánh quyết định

Ngày 27/10/1947, Trung tá Dewan Ranjit Rai dẫn 300 lính Ấn Độ đổ bộ xuống Srinagar (thủ phủ Kashmir). Tại Baramulla (thị trấn cách Srinagar 50 km về phía tây), 4.000 chiến binh tộc Pashtun đang tiến về thủ phủ. 

Trong trận chiến không cân sức, Trung tá Rai hy sinh sau khi cầm chân địch đủ lâu để Ấn Độ tăng viện. "Ông ấy đã cứu Srinagar bằng chính mạng sống của mình", trang web của Viện Giáo dục Phổ thông Mở Quốc gia - cơ quan giáo dục thuộc chính phủ Ấn Độ - viết.

Ngày 7/11/1947, Ấn Độ mở chiến dịch phản công. Tại Shalateng (ngôi làng gần Srinagar), xe bọc thép của Ấn Độ bất ngờ đánh vòng qua sườn đối phương, buộc chiến binh tộc Pashtun và lính Pakistan tháo chạy về Muzaffarabad (thành phố thuộc Pakistan ngày nay). Srinagar được giải vây, nhưng máu đã đổ dọc con đường từ Baramulla – nơi hàng nghìn dân thường bị sát hại.

Tại Poonch (thị trấn thuộc Jammu và Kashmir), 1.200 lính Ấn và dân quân địa phương bị bao vây suốt 14 tháng. Không có tiếp tế, họ sống sót nhờ lương thực thả từ máy bay.

Đến tháng 11/1948, Poonch mới được giải cứu sau chiến dịch phối hợp giữa bộ binh và không quân Ấn Độ.

Một xe bọc thép của quân đội Ấn Độ tuần tra ở Kashmir năm 1948. Ảnh: Bbharat-rakshak

Một xe bọc thép của quân đội Ấn Độ tuần tra ở Kashmir năm 1948. Ảnh: Bbharat-rakshak

Tháng 11/1948, Ấn Độ thực hiện chiến dịch táo bạo nhất: Đưa xe tăng hạng nhẹ M5 Stuart vượt đèo Zoji La (cao 3.528 mét, thuộc Ladakh, vùng Kashmir) – điều chưa từng có trong lịch sử quân sự.

Theo trang Kiddle, xe tăng hạng nhẹ được tháo rời từng bộ phận, vận chuyển qua Srinagar, kéo qua các cây cầu bằng tời, rồi lắp ráp lại để vượt qua đèo Zoji La – tuyến đường hiểm trở.

Sau đó, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng K.S. Thimayya, quân Ấn đánh chiếm thị trấn chiến lược Kargil (Ladakh), đẩy lui quân Pakistan và tộc Pashtun về Dras (làng biên giới thuộc Kargil).

Lệnh ngừng bắn

Ấn Độ và Pakistan không ít lần xảy ra giao tranh căng thẳng. Ảnh: Getty

Ấn Độ và Pakistan không ít lần xảy ra giao tranh căng thẳng. Ảnh: Getty

Sau một thời gian hai bên giao tranh giằng co, không bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối để giành chiến thắng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thông qua một nghị quyết kêu gọi hai bên lập tức ngừng bắn và thành lập một ủy ban để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn. 

Cả Ấn Độ và Pakistan đều đồng ý.

Ngày 1/1/1949, lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Liên Hợp Quốc thiết lập đường Kiểm soát (LoC), chia Kashmir thành 2 phần. Ấn Độ kiểm soát Jammu, Thung lũng Kashmir và Ladakh (khoảng 65% diện tích vùng Kashmir). Pakistan kiểm soát Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan (35% diện tích vùng Kashmir).

Tổn thất của Ấn Độ trong cuộc chiến là 1.104 quân nhân thiệt mạng và 3.154 người bị thương; phía Pakistan có khoảng 6.000 người thiệt mạng và 14.000 người bị thương. Một số đánh giá trung lập cho rằng Ấn Độ là bên giành chiến thắng, vì đã bảo vệ thành công phần lớn lãnh thổ tranh chấp.

Theo trang Kiddle, Liên Hợp Quốc hứa tổ chức trưng cầu dân ý để người dân Kashmir tự quyết định tương lai, nhưng lời hứa này không trở thành hiện thực.

---------------------

Tháng 8/1965, giới lãnh đạo quân sự Pakistan tin rằng chỉ cần một mồi lửa ở Kashmir, người dân sẽ nổi dậy và Ấn Độ sẽ gặp khó khăn. Người Pakistan đã đúng về việc lửa sẽ bùng lên - nhưng không phải theo cách họ mong đợi. Khi kế hoạch kích động nổi loạn thất bại vì một yếu tố mà người Pakistan không ngờ tới, chiến tranh toàn diện Ấn Độ - Pakistan nổ ra, lan rộng từ những ngọn đồi vùng Kashmir đến các cánh đồng mía ở Punjab (Ấn Độ), nơi xe tăng Patton của Mỹ do Pakistan sử dụng bị nhấn chìm trong bùn và lửa. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng vào trưa 13/5 để hiểu thêm về cuộc chiến này.

Ấn Độ ngày 7/5 đã phát động chiến dịch quân sự với một loạt các cuộc tấn công tên lửa sang lãnh thổ Pakistan và vùng...

Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Các cuộc chiến tranh đáng chú ý giữa Ấn Độ và Pakistan

Xem Thêm