Chia sẻ

CNN: Xung đột Ấn Độ - Pakistan, phép thử với vũ khí Trung Quốc sản xuất

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sự đối đầu giữa hai quốc gia Nam Á đang hé lộ bức tranh thực tế về năng lực vũ khí Trung Quốc trước các đối thủ phương Tây, báo Mỹ CNN nhận định.

Các chiến đấu cơ J-10C của Pakistan. Ảnh: AFP.

Các chiến đấu cơ J-10C của Pakistan. Ảnh: AFP.

Phép thử với vũ khí Trung Quốc

Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan đang trở thành “phép thử thực chiến” đầu tiên dành cho vũ khí do Trung Quốc sản xuất. CNN cho biết, cổ phiếu của AVIC Chengdu Aircraft – nhà sản xuất tiêm kích J-10C – tăng 40% trong tuần khi Pakistan tuyên bố đã dùng loại chiến đấu cơ này để bắn hạ các máy bay Rafale hiện đại của Ấn Độ (do Pháp sản xuất)  trong trận không chiến ngày 7/5.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “không rõ tình hình” khi được hỏi về vai trò của chiến đấu cơ Trung Quốc trong vụ việc.

Tuy nhiên, là nhà cung cấp vũ khí chính cho Pakistan, Trung Quốc chắc chắn đang theo dõi kỹ lưỡng để đánh giá hiệu quả thực tế của các hệ thống do họ sản xuất. “Điều này biến bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Ấn Độ và Pakistan thành môi trường thử nghiệm cho vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc”,  Sajjan Gohel, Giám đốc an ninh quốc tế tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở London nhận định.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 5 năm qua, Trung Quốc cung cấp đến 81% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan – bao gồm chiến đấu cơ, tên lửa, radar và hệ thống phòng không. Nhiều vũ khí sản xuất ở Pakistan cũng được phát triển hoặc chế tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng sau vụ 26 du khách – chủ yếu là người Ấn – bị sát hại ở Kashmir, New Delhi đã phát động loạt đòn tấn công bằng tên lửa vào sáng thứ Tư, nhằm vào các mục tiêu được cho là “cơ sở khủng bố” trên cả lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do nước này kiểm soát.

Một căn nhà ở Ấn Độ bị phá hủy sau đợt pháo kích của Pakistan. Ảnh: AFP.

Một căn nhà ở Ấn Độ bị phá hủy sau đợt pháo kích của Pakistan. Ảnh: AFP.

Phía Pakistan tuyên bố không quân nước này đã bắn hạ năm chiến đấu cơ Ấn Độ – bao gồm ba chiếc Rafale, một MiG-29 và một Su-30 – trong một trận không chiến kéo dài một giờ, có sự tham gia của 125 máy bay của cả hai bên ở khoảng cách hơn 160 km. “Đây được xem là trận không chiến dữ dội nhất giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân, ông Salman Ali Bettani, học giả quan hệ quốc tế tại Đại học Quaid-i-Azam (Islamabad), nói. “Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong việc vận hành hệ thống vũ khí hiện đại có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Mặc dù chưa có xác nhận chính thức, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ rằng ít nhất một tiêm kích Rafale của Ấn Độ đã bị bắn hạ. “Nếu được xác thực, điều đó cho thấy hệ thống vũ khí của Pakistan – ít nhất – ngang hàng với những gì các nước phương Tây như Pháp đang sở hữu”, ông Bilal Khan, người sáng lập công ty phân tích quốc phòng Quwa (Toronto) nhận định.

Vũ khí Trung Quốc chiếm trọng tâm ở Pakistan

Truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh đã bàn giao lô tiêm kích J-10CE đầu tiên cho Pakistan vào năm 2022. Đây hiện là máy bay hiện đại nhất trong kho vũ khí của Pakistan, bên cạnh JF-17 Block III – dòng chiến đấu cơ hợp tác phát triển với Trung Quốc.

Không quân Pakistan cũng đang vận hành phi đội F-16 do Mỹ sản xuất, từng lập công trong đợt giao tranh năm 2019. Nhưng theo ông Khan, “các F-16 hiện có vẫn còn ở cấu hình từ đầu những năm 2000, tụt hậu so với các dòng hiện đại mà Mỹ đang cung cấp". Ngược lại, J-10CE và JF-17 Block III được trang bị radar quét mảng chủ động (AESA) và các công nghệ tiên tiến khác.

Ông Zhou Bo, đại tá về hưu và chuyên gia an ninh tại Đại học Thanh Hoa, nói rằng nếu đúng J-10C đã bắn hạ Rafale, “đó sẽ là cú hích lớn về lòng tin dành cho vũ khí Trung Quốc”. Ông nhận định: “Điều này sẽ khiến thế giới ngạc nhiên – đặc biệt khi Trung Quốc chưa từng tham chiến trong hơn 40 năm. Đây có thể là bàn đạp lớn cho xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc”.

Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới, và gần hai phần ba lượng vũ khí xuất khẩu là sang Pakistan. “Đây là cách quảng cáo cực kỳ hiệu quả,” chuyên gia quân sự Antony Wong Dong (Macau) đánh giá. “Ngay cả những nước như Mỹ cũng cần tự hỏi: đối thủ của mình hiện đã mạnh đến đâu?”.

Ấn Độ mắc lỗi?

Ấn Độ tăng cường an ninh ở vùng Kashmir vào ngày 9/5/2025. Ảnh: NurPhoto.

Ấn Độ tăng cường an ninh ở vùng Kashmir vào ngày 9/5/2025. Ảnh: NurPhoto.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kêu gọi thận trọng. Craig Singleton, nhà phân tích tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ), lưu ý: “Rafale là máy bay hiện đại, nhưng chiến tranh không chỉ là chuyện mua sắm vũ khí mà còn là sự tích hợp, phối hợp và khả năng sống sót”. Ông cho rằng nếu Ấn Độ thật sự mất nhiều máy bay, nguyên nhân có thể đến từ sai lầm chiến thuật hoặc đánh giá sai về năng lực vũ khí của đối phương.

Một khả năng được đặt ra là New Delhi đã đánh giá thấp tên lửa PL-15 do Trung Quốc sản xuất – loại tên lửa không đối không tầm xa được trang bị cho J-10C. Nếu Ấn Độ tin rằng Pakistan chỉ có phiên bản xuất khẩu tầm ngắn hơn, các chiến đấu cơ Ấn có thể đã lơ là phòng bị.

Hơn nữa, quy tắc giao chiến hoặc ràng buộc chính trị có thể đã ngăn cản phi công Ấn Độ nổ súng trước hoặc phản công đúng lúc. “Các tính toán sai lầm từ phía Ấn có thể đã vô tình giúp vũ khí Trung Quốc trông hiệu quả hơn”, học giả Fabian Hoffman viết trên blog Missile Matters.

Dù vậy, các đòn không kích của Ấn Độ vẫn phá hủy được nhiều mục tiêu tại Pakistan – điều cho thấy tên lửa nước này đã vượt qua lưới phòng không do Trung Quốc cung cấp, bao gồm hệ thống HQ-9. “Nếu radar hay tên lửa của Trung Quốc không ngăn được các cuộc tấn công đó, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh”, ông Gohel bình luận.

Một chiến đấu cơ J-10 do Trung Quốc sản xuất (do quân đội Pakistan vận hành) đã bắn rơi ít nhất 2 tiêm kích của Ấn Độ,...

Theo Nhật Minh - CNN ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Xem Thêm