Loại cá từng bị chê nay phơi khô thành đặc sản giá 300.000 đồng/kg, còn xuất khẩu ra nước ngoài
Vì nhiều xương nên trước đây cá thác lác không được ưa chuộng, hiện nay chúng "lên đời" thành đặc sản nổi tiếng.
Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua cá thác lác về thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Cá thác lác (còn gọi là cá thát lát, thác lát) là một loài cá nước ngọt quen thuộc, có hình dáng khá đặc biệt với thân dẹt, mỏng, phần đầu nhỏ, ngắn, đôi mắt to và lồi, miệng rộng kéo dài lên gần ổ mắt.
Loài cá này phân bố rộng khắp trên thế giới, chủ yếu sống ở các vùng nước lợ và nước ngọt tại châu Phi, châu Á, đặc biệt phổ biến ở Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, cá thác lác được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền Trung, khu vực sông Đồng Nai và đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được xem là "thủ phủ" của loài cá này.
Ngày trước, cá thác lát từng không được ưa chuộng. Vì thân cá dẹt, thịt mỏng, lại có nhiều xương, nên so với các loài cá như cá chép, cá quả, cá chạch, cá thác lát bị xem là kém giá trị.
Khi đánh bắt được, người ta thường để dành làm thức ăn cho gia súc, thậm chí không mang ra chợ bán.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, cá thác lát đã "lội ngược dòng" ngoạn mục, trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ, được bày bán ở các siêu thị, chợ lớn và xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng.
Hiện nay, cá thác lác tươi có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để chế biến thành 1kg chả cá, cần đến 2,5kg cá tươi. Vì vậy, giá chả cá dao động từ 200.000 đến hơn 300.000 đồng/kg, tùy loại và chất lượng.
Tại Hậu Giang và nhiều tỉnh miền Tây, các hộ gia đình đang mở rộng mô hình nuôi cá thác lác và chế biến các sản phẩm như cá rút xương, chả cá đóng gói, nhờ đó tạo ra thu nhập ổn định và thậm chí còn xuất khẩu sang nước ngoài.
Sản phẩm cá thác lác rút xương được ưa chuộng bởi sự tiện lợi, sạch sẽ, không xương và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.